Phần cốt lõi nhất của một mẫu xe điện bao gồm động cơ điện và bộ pin đã được Dat Bike nghiên cứu chỉn chu và thực sự đem lại ấn tượng. Tuy nhiên vẫn còn một vài điều mà startup Việt có thể hoàn thiện thêm để có thể cho ra đời một Weaver 200 thực sự thuyết phục.
Khát vọng thay đổi vì một Việt Nam tốt đẹp hơn
Đường phố đô thị đặc những xe máy là xe máy. Tiếng ồn, khói bụi, nóng nực, ngột ngạt: ai cũng đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng kín mít nhưng không thể xua đi nổi sự khó chịu trong cơ thể. Đây là bức tranh giao thông hiện tại ở Việt Nam.
Năm 2018, sau khi cùng với bạn tự chế thành công một vài chiếc xe máy điện tự chế cùng bạn tại gara; kỹ sư khoa học máy tính Nguyễn Bá Cảnh Sơn nung nấu trong đầu giấc mơ vẽ lại bức tranh kể trên với mong muốn “thay đổi cách người Việt Nam di chuyển”.
Nghĩ là làm, Sơn bỏ sau lưng công việc đáng mơ ước tại thung lũng công nghệ Silicon, rời Mỹ về Đà Nẵng khởi nghiệp và thành lập thương hiệu xe điện của riêng mình.
Xuất hiện trong chương trình truyền hình Shark Tank 2019, nhà sáng lập Dat Bike đã thành công gọi được 60.000 USD đầu tư từ shark Hưng để thương mại hoá những chiếc xe điện được Bộ Giao thông Vận Tải công nhận là xe điện đầu tiên có xuất xứ Việt Nam, thay vì “Việt Nam và nước ngoài” như hầu hết những cái tên còn lại trên thị trường.
Bẵng đi hai năm, tới đầu mùa hè 2021, Startup Dat Bike tiếp tục xuất hiện tại pre-Series A và bất ngờ gọi được số vốn lên tới 2,6 triệu USD từ phía các nhà đầu tư để tiếp tục theo đuổi giấc mơ của founder Cảnh Sơn.
Và tới những ngày cuối cùng của năm 2021, những chiếc Dat Bike Weaver 200 thế hệ thứ hai đã đến tay người tiêu dùng với giá bán 55 triệu đồng (đã bao gồm thuế và chi phí pin), lăn bánh trên con đường thay đổi cách thức di chuyển của người Việt Nam.
Ngoại hình cổ điển khác biệt
Vẫn tiếp tục được duy trì thiết kế kiểu cổ điển bắt mắt như thế hệ tiền nhiệm, Dat Bike Weaver 200 khoác lên mình diện mạo có phần bụi bặm, gai góc phù hợp với phong cách của những bạn trẻ ưa sự nổi bật, phá cách, thích nghe rap underground – xu hướng giải trí thịnh hành hiện nay.
Bộ đèn LED dạng tròn cổ điển, ghi đông clip-on dang rộng đi kèm dàn chân cao ráo và một bộ lốp gai hầm hố chính là những điểm nhấn giúp phần đầu của những chiếc Weaver 200 trở nên ưa nhìn.
Yên xe bánh mì bọc da màu nâu cũng là một chi tiết rất “đáng yêu”. Đuôi xe cũng đã được tay dắt sơn tĩnh điện màu đen mờ bắt mắt tương tự dè sau. Đèn phanh LED được thiết kế hình bán nguyệt chỉn chu hiện đại. Tổng thể phần đuôi xe gọn gàng, tối giản.
Thiết kế bộ pin sơn màu cam với dòng chữ 200 màu trắng nổi bật, đi kèm họa tiết kẻ sọc tối màu có thể coi là chi tiết bắt mắt nhất trên những chiếc Dat Bike thế hệ thứ hai. Theo thông số của nhà sản xuất thì bộ pin này đã được gia tăng dung lượng đáng kể so với thế hệ tiền nhiệm, đồng thời khiến trọng lượng của xe đã trở nên nặng hơn.
Tiếp đến, bộ khung “trơ xương” trần trụi cũng đã được thay thế bằng một hộp chứa đồ với kiểu thiết kế giả bình xăng, bên trong có chứa bộ sạc điện cho chiếc Weaver 200. Trên thế hệ đầu tiên, bình xăng giả này là một tùy chọn mua thêm nhưng nay đã được trang bị tiêu chuẩn cho khách hàng và đây là một điểm mới rất đáng khen dành cho Dat Bike.
Những chiếc xe điện Việt Nam không hề được đắp lên mình bất kỳ tấm ốp hay dàn yếm che nào. Tuy nhiên chính phong cách trần trụi này lại khiến Dat Bike Weaver 200 lộ ra nhiều chi tiết “ngoại thất” được thực sự vừa mắt.
Đầu tiên phải kể tới bó dây khá thô về mặt thẩm mỹ ở hai bên tay lái, chạy dọc theo khung xe xuống bộ pin, được buộc gọn lại bằng những sợi dây thít nhựa rẻ tiền. Bên dưới yên xe, một bọc dây dẫn lớn cũng chưa được cố định một cách gọn gàng.
Soi tiếp, trong khi dàn chân trước của Weaver 200 được khoác lên một lớp sơn đen sần cực kỳ bắt mắt “xịn xò”, thì chảng ba của xe lại chỉ được sơn bằng một lớp màu đen bóng chưa thực sự đồng nhất với cụm lò xo bên dưới.
Cụm phím chức năng: đèn xi-nhan, ngắt nguồn động cơ, đèn pha/cốt trên tay lái trái có thiết kế rất quen thuộc giống trên những chiếc Honda Wave thời những năm 2000, tuy nhiên chất lượng nhựa cũng như cảm giác sử dụng bằng ngón tay vẫn lỏng lẻo, chưa thể sánh bằng.
Thực chất, phiên bản Dat Bike Weaver 200 được sử dụng trong bài đánh giá này thuộc lô xe chạy thử, chưa phải bản thương mại thực tế. Do đó đây là những điểm có thể thông cảm được và chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng những đặc điểm ngoại thất này sẽ được nhà sản xuất cải thiện trên phiên bản thương mại.
Vận hành ấn tượng nhưng vẫn có thể tốt hơn
Ngay khi cầm lái Dat Bike Weaver 200, bạn sẽ hiểu vì sao chiếc xe này lại có thể gọi vốn tới 2,6 triệu USD từ các nhà đầu tư danh tiếng. Xe mạnh mẽ và đem lại trải nghiệm khác biệt so với cả xe xăng truyền thống lẫn xe điện phổ thông tại thị trường Việt Nam hiện nay.
Sở hữu khối động cơ gắn trực tiếp ở bánh xe phía sau có công suất 6kW (tương đương khoảng 8 mã lực), Dat Bike Weaver 200 tỏ ra lép vế so với Air Blade 125 (8,4 kW) hay Grande (6,1 kW) khi nhìn thông số trên giấy.
Tuy nhiên lực kéo mô men xoắn cực đại của động cơ điện này lại lên tới 38.7 Nm! Nếu bạn vẫn chưa kịp nhận ra con số này lớn thế nào, thì nó lớn hơn gấp ba lần so với mức 11,68 Nm trên Air Blade bản 125 và 10,4 Nm của Grande.
Chính vì vậy mà Dat Bike Weaver 200 cho nước đầu đề pa tăng tốc rất ấn tượng, dễ tạo cảm giác xe nhanh và mạnh. Tuy nhiên khác với thế hệ tiền nhiệm, cảm giác “hỗn” và shock, dễ gây giật mình cho người lái khi vặn ga khởi động đã biến mất.
Cảm giác giật cục và dễ gây choáng thường thấy trên các mẫu xe điện rẻ tiền đã được Dat Bike gọt giũa lại. Weaver 200 tăng tốc nhanh nhưng không giật mình, mà mượt mà và đem lại cho người cầm lái cảm giác an tâm, có thể kiểm soát được. Đây là một điểm đáng được đánh giá cao cho các kỹ sư khi đã chăm chút tới trải nghiệm vận hành của xe.
Bên cạnh đó, cần phải nói ngay rằng Dat Bike Weaver 200 là một mẫu xe an toàn, bởi mặc dù có công suất lớn và khả năng tăng tốc ấn tượng, nhưng tốc độ cực đại lại được giới hạn điện tử ở mức 80-90 km/h – hoàn toàn phù hợp với điều kiện giao thông và luật pháp Việt Nam.
Cùng với mô tơ điện đã được tinh chỉnh, pin trên Dat Bike Weaver 200 cũng đã được lột xác so với thế hệ đầu tiên. Xe sử dụng bộ pin Lithium-Ion – 72V dung lượng 68Ah – tức là lớn hơn gấp đôi xe đời trước.
Với bộ pin này, người dùng có thể di chuyển được quãng đường lên tới 200km, tức là dư sức chạy từ Hà Nội về Hạ Long hoặc Sài Gòn lên Đà Lạt với tốc độ 35 km/h. Còn ở tốc độ trung bình 70 km/h thì người dùng sẽ có thể đi được 130km sau mỗi lần sạc đầy pin.
Và để sạc đầy pin, người dùng sẽ chỉ phải mất 3 tiếng đồng hồ chứ không phải đợi qua đêm như nhiều mẫu xe điện “tàu giá rẻ” hiện nay trên thị trường. Nếu cần sử dụng gấp, người dùng có thể đi được tới 100km chỉ sau 1 tiếng sạc nhanh.
Theo nhà sản xuất công bố, bộ pin này có bền lên tới 15 năm, tương đương 150.000 km lăn bánh. Sau đó pin sẽ tụt xuống còn khoảng 70% dung lượng. Tuy nhiên chưa thể kiểm chứng được điều này, bởi bản thân Startup Dat Bike mới chỉ xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2018 tức là vỏn vẹn 3 năm tuổi.
Nhưng chính sách bảo hành pin 10 năm (hoặc 10 vạn km) bao cả lỗi chai pin có thể được coi là một lời hứa phần nào thể hiện được chất lượng của sản phẩm. Bên cạnh đó, những chiếc Dat Bike Weaver 200 đều được hưởng 3 năm bảo hành (ngoài pin).
Bộ pin và mô tơ điện của Weaver 200 cũng được hoàn thiện tốt, giúp cho xe có thể đạt tiêu chuẩn chống nước IP65. Tức là người dùng hoàn toàn có thể yên tâm cho xe chạy qua những đoạn đường mưa ngập “phà phà” mà không phải lo lắng như khi cầm lái xe xăng.
Tính năng mở khóa xe bằng thẻ từ hoặc điện thoại iPhone – tương tự như trên những chiếc xe ô tô điện thời thượng của Tesla – cũng là một điểm nhấn rất đáng khen trên Weaver 200. Thông qua ứng dụng Dat Bike, người dùng cũng đồng thời có thể nâng cấp phần mềm cho xe hoặc đặt lịch bảo dưỡng một cách dễ dàng.
Bên cạnh mô tơ “ngon” và pin “khủng”, những chiếc Dat Bike Weaver 200 còn chứa cả hàm lượng công nghệ cao bên trong. Điển hình là công nghệ Regen brake, giúp nạp lại pin cho xe khi người cầm lái ngơi tay ga hoặc nhấn phanh. Công nghệ này có thể giúp xe chạy được xa hơn tới 10% – theo như Dat Bike tính toán.
Dat Bike ứng dụng hệ thống phanh động cơ. Ở đó, độ ghì của phanh động cơ tỉ lệ thuận với góc nhả tay ga điện (trả ga càng nhiều, xe sẽ ghì càng mạnh). Điều này trái lại với xe máy, vốn luôn đem đến độ ghì nhất định của động cơ tới người lái.
Với những người vốn đã quen với xe máy và cảm giác “chặt chịa” và tròn ga khi nhấn ga của xe máy, thì tay ga của Weaver 200 có thể hơi lỏng lẻo khi lơi tay ga trong thời gian đầu. Bên cạnh đó, chức năng phanh tái tạo năng lượng cũng phát ra tiếng “iii” khá lớn và, với những người chưa quen xe điện, dễ gây hiểu lầm rằng xe có thể bị lỗi gì đó trong thời gian đầu.
Một điểm rất đáng cân nhắc khác, đó là bộ pin khủng khiến trọng lượng của mỗi chiếc Weaver 200 tăng đáng kể, lên tới hơn 120 kg. Cộng với chiều cao yên khá cao so với những người cao dưới 1m60, trải nghiệm dắt hoặc di chuyển mà không khởi động xe sẽ có khó khăn, đặc biệt là thao tác dựng chân chống giữa. Mong rằng các phiên bản tương lai của Dat Bike Weaver 200 sẽ được hoàn thiện tốt hơn về thiết kế và cân nặng để tiếp cận được nhiều người dùng hơn.
Tổng kết lại, có thể thấy Dat Bike rất nghiêm túc với khát vọng “thay đổi cách thức di chuyển của người Việt Nam” thông qua những chiếc Weaver 200. Tuy nhiên nhiều vị trí hoàn thiện chưa chỉn chu trên phiên bản thử nghiệm dễ khiến xe mất điểm với người tiêu dùng, xe sở hữu động cơ mạnh, pin khủng – vốn là những yếu tố cốt lõi của một sản phẩm xe điện, và do đó, vẫn là một chiếc xe máy điện đáng để thử.
Điểm đáng khen nữa, chính là đội ngũ Dat Bike sở hữu tinh thần cầu thị cao, bởi ngay thời điểm ra mắt này, CEO Dat Bike đã và đang không ngừng lắng nghe feedback từ người dùng để cải tiến mẫu xe. Chính vì vậy, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng về một tương lai sáng cho xe máy điện tại Việt Nam.
Thông tin được tổng hợp bởi XEHOINFO